|
Ở huyện vùng cao Tủa Chùa những năm qua, mặc dù được các cấp ngành địa phương quan tâm đầu tư các công trình cấp nước tại các xã, thị trấn, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Người dân vùng cao một số xã vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Đoàn thanh niên xã Tủa Thàng sửa đường ống nước cho người dân có nước sinh hoạt
Tủa Chùa là huyện vùng cao, có 11 xã và 1 thị trấn, 120 thôn, bản, tổ dân phố. Do đặc thù huyện vùng cao, ít sông, suối để cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo nhu cầu của người dân, những năm qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã khảo sát, tham mưu cho UBND huyện đầu tư các công trình nước sạch tập trung cho các thôn, bản vùng cao. Đến nay, từ các nguồn vốn, huyện Tủa Chùa đã đầu tư, xây dựng được 114 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn các xã, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân, đạt trên 74% dân số. Tuy nhiên, trong tổng số các công trình cấp nước có 10 công trình ngừng hoạt động, 15 công trình hoạt động kém. Thực tế cho thấy một số công trình nước sạch trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn chưa phát huy được hiệu quả... Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng của các công trình là do các công trình đã được đầu tư từ lâu (phần lớn các công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ những năm 2000), tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư nên khó khăn cho công tác bảo quản, trông coi. Nguồn nước đầu nguồn bị cạn kiệt vào mùa khô, công tác duy tu, bảo dưỡng tự khắc phục những hư hỏng nhỏ còn hạn chế. Cùng với đó, do lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến công trình hư hỏng. Công tác quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác công trình sau đầu tư xây dựng của một số xã và một bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế dẫn đến hư hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Trong 12 xã, thị trấn của huyện Tủa Chùa thì các xã thiếu nước sinh hoạt nhất là các xã phía Bắc của huyện, bao gồm xã Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng và xã Sín Chải. Các công trình nước sinh hoạt tập trung cũng đã được xây dựng, tuy nhiên do dân cư sống thưa thớt, một số hộ dân sống xa trung tâm. Để người dân có nước sinh hoạt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động cũng như hỗ trợ các dụng cụ chứa nước tại gia đình, tuy nhiên mùa khô kéo dài, các khe suối đều cạn kiệt không có nguồn nước để lấy”.
Bể nước của thôn Hấu Chua, xã Sín Chải có dung tích 500 khối nước để chứa nước được dẫn máng từ mái nhà các hộ dân. Tuy nhiên do trời không mưa, bể nước đã cạn khô. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân thôn Hấu Chua phải đi xe máy hơn 5 km chở từng can nước về dùng. Chị Giàng Thị Dí, thôn Hấu Chua, xã Sín Chải chia sẻ:“Chúng tôi sống ở đây khó khăn về nước quá, có bể nước to Nhà nước làm cho thôn chúng tôi đấy, nhưng chỉ sử dụng trong mùa mưa thôi, hết mùa mưa, bể lại cạn nước, mùa khô như bây giờ chúng tôi phải đi lấy nước cách đây 5 đến 6 cây số về dùng”.
Không chỉ ở những xã vùng cao, tại một số thôn bản của xã Mường Báng tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra. Đã nhiều năm nay, hàng ngày, vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, người dân bản Pú Ôn, xã Mường Báng lại tập trung đến các mó nước gần bản để tắm giặt và lấy nước về dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Công việc này đã tiêu tốn không ít thời gian và sức lực, bởi các mó nước đều nằm khá xa nơi ở; địa hình hiểm trở và có độ dốc lớn nên chỉ có thể đi bộ gùi nước. Chị Lò Thị Niêm, bản Pú Ôn, xã Mường Báng cho biết: “Thiếu nước vào mùa khô khiến chúng tôi rất vất vả, mọi hoạt động trong gia đình đều cần tiết kiệm nước. đi lấy nước vừa xa vừa mất thời gian quá.”
Để khắc phục thiếu nước sinh hoạt ở thôn, bản, huyện cần tiếp tục huy động các nguồn vốn, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung hiện có; tính toán hợp lý quy mô công trình xây mới để vừa có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu, vừa đảm bảo ổn định bền vững, đầu tư gắn liền với quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả.Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo nguồn nước thường xuyên, bền vững cho các công trình. Đối với những thôn, bản không có nguồn nước, do không chủ động về nguồn nước huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, lồng ghép với các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc để hỗ trợ bình chứa nước, tích nước hoặc xây hồ chứa tích nước vào mùa mưa./.