|
Đến với cao nguyên đá Tủa Chùa, chúng ta không chỉ được trải nghiệm, chiêm ngưỡng những di sản văn hóa đặc sắc mà còn được khám phá các món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây. Cùng với rượu Mông Pê, dê núi đá, cá sông Đà, còn có một giống gà đặc sản mà không vùng đất nào có được, đó là gà đen của đồng bào dân tộc Mông. Gà đen nổi tiếng thơm ngon, thịt chắc, ai đã ăn thử một lần sẽ nhớ mãi.
Người dân xã Xá Nhè chăm sóc gà đen.
Ngủ cành cây, uống sương muối, thường được người dân thả trên đất đá, vì thế gà đen Tủa Chùa vô cùng đặc biệt, không giống bất cứ nơi đâu. Gà đen tại đây là một giống gà đặc hữu, có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, xương cũng nhuốm đen, gà sở hữu bộ lông xước toàn thân phủ 1 lớp phần lông nhỏ mềm như lông thú. Ông Hạng A Sử, thôn Tả Phìn (xã Tả Phìn) cho biết: Gà đen tiếng người Mông gọi là Ka Đu. Ka Đu là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa triệu chứng mất ngủ, nhức đầu, ù tai... Vì thế mà người Mông chúng tôi coi gà đen là một tài sản quý. Dù cuộc sống khó khăn, trải qua bao năm tháng du canh du cư nhưng chúng tôi vẫn gìn giữ và bảo tồn giống gà đặc sắc riêng của dân tộc mình.
Thịt gà đen Tủa Chùa có hàm lượng dinh dưỡng cao, thường được mọi người biết đến với những món cháo cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh. Xương thì đem ngâm rượu hay nấu cao cho người già, người đau ốm uống bồi bổ. Ngoài ra, trong các mâm cỗ đều phải có thịt gà đen, bởi theo họ như vậy mới quý, mới được coi là chủ nhà hiếu khách. Gà ở đây được nuôi bằng thóc, ngô và ngủ trên cây. Nuôi cả năm trời mới nặng khoảng 2kg nên thịt ngon hơn nhiều so với những loại gà nuôi theo hình thức công nghiệp. Vì thế mà người dân nơi đây đi đâu cũng nhớ vị gà xương đen quê nhà. Anh Nguyễn Hữu Khánh, người dân thị trấn Tủa Chùa cho biết: “Dù đã rất lâu không về quê Tủa Chùa, nhưng mỗi khi có người từ Tủa Chùa xuống mình đều gửi mua 3-5 con gà đen để ăn và mang làm quà cho mọi người, ở thành phố mọi người rất thích loại gà này”
Bên cạnh những điều đặc biệt về hình dáng và tập tính, gà đen sở hữu sức đề kháng không hề nhỏ, vào trời đông nhiệt độ xuống tới 4 - 50C nhưng gà vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường. Theo thói quen bao đời, người Mông không làm chuồng, mà gà sẽ ngủ trên cành cây bất kể trời mưa gió, giá rét và chỉ ăn ngô, thóc... Chính vì sức chống chịu giữa thiên nhiên khắc nghiệt mà gà đen Tủa Chùa qua nhiều năm đã có được giống gen rất tốt.
Tuy giờ đây gà đen Tủa Chùa đã được lai và nhân giống, song Tủa Chùa vẫn là cái nôi của giống gà đen và chúng trở thành đặc sản ngon của vùng đất này. Nhiều thương lái đã đến để săn mua được gà ngon, gửi bán cho nhiều tỉnh khác trong cả nước. Đặc biệt, cứ mỗi dịp gần tết nguyên đán, tư thương săn lùng mua loại gà đen này càng nhiều nhưng không vì thế mà bị ép giá. Hiện tại, trung bình người dân đang bán với giá khoảng 180.000 đồng/kg.
Trên cao nguyên đá Tủa Chùa, nhà nào cũng nuôi vài chục con đến vài trăm con. Những ngày gần tết, người dân sẽ giữ lại vài con để gia đình ăn tết, chọn những con gà trống to, đẹp làm giống và chục con gà mái để nhân giống năm sau, còn lại họ bán lấy tiền sắm tết. Cũng vì thế mà nhiều hộ dân sau khi thấy được lợi nhuận từ gà đen mang lại đã làm trang trại, đầu tư chăn nuôi gà đen để phát triển kinh tế và vừa gìn giữ giống gà đặc sản của địa phương.