• “Vàng xanh” trên cao nguyên Tủa Chùa
  • Thời gian đăng: 25/04/2016 03:35:02 PM
  • Cây chè Shan Tuyết hiện được ví như “vàng xanh” mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông trên vùng cao nguyên đá khắc nghiệt huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
  • Từ huyền thoại “vàng xanh”…
    Tủa Chùa là một trong những huyện miền núi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Với độ cao hơn 1400m so với mực nước biển, Tủa Chùa được ví như “cổng trời” của vùng Tây Bắc Việt Nam. Chính điều kiện khí hậu đặc biệt với bốn mùa trong một ngày cùng thổ nhưỡng thích hợp của cao nguyên này giúp cây chè Shan Tuyết phát triển và chứa đựng bao huyền thoại.

    Người già ở Tủa Chùa kể lại rằng, ngay từ bé họ đã nhìn thấy những cây chè Shan Tuyết cổ thụ mọc trước cửa nhà. Cái tên "chè Tuyết" mà họ quen gọi cho cây chè có lẽ bởi cái khí hậu đặc thù vùng núi đá nơi đây tạo nên. Vào mùa đông, trên các ngọn núi cao, băng giá phủ khắp cành cây, ngọn cỏ. Những cây chè tưởng chừng không sống nổi trước cái lạnh thấu xương, trơ cành khẳng khiu. Nhưng khi mùa xuân đến, cây chè lại nảy mầm, đâm chồi, mang đến một mùa "vàng xanh" bội thu.

     

    Rừng chè Shan Tuyết ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên có độ cao hàng chục mét.




    Người Mông thu hoạch chè trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 10.




    Vào vụ, người Mông đứng trên cây chè có độ cao hàng chục mét để thu hoạch chè

    .


    Thu hoạch chè Shan Tuyết ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điên Biên.


    Phong lan sinh sống trên thân cây chè cổ thụ.


    Sín Chải là nơi có độ cao hơn 1400m so với mực nước biển, thời tiết xoay vần biến đổi, 
    một ngày có thể có 4 hình thái mùa trong năm, là nơi thích hợp để cây chè Shan Tuyết phát triển.

    «
              Chè Shan Tuyết Tủa Chùa có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, trà mới uống có vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm. Nhưng sau khi uống thì lại có vị ngọt đặc biệt lưu lại nơi đầu lưỡi với đủ các vị chát, ngọt, ngậy.
                                                            »
    Sự khác biệt chỉ có ở những cây chè sống ở độ cao hàng nghìn mét như chè Shan Tuyết chính là cánh chè sau khi chế biến sẽ còn vương lại một lớp phấn mỏng giống như tuyết. Đồng bào nơi đây xưa nay coi thứ thức uống tinh khiến này là sự hòa quyện và tích tụ tinh túy của trời và đất. Đây cũng chính là thứ nước uống giúp đồng bào Mông thêm bền bỉ, dẻo dai trên những triền núi chênh vênh của cao nguyên đá Tủa Chùa. 

    Hiện ở Sín Chải có gần 4.000 cây chè cổ thụ và là xã có nhiều cây chè cổ thụ nhất huyện Tủa Chùa. Đó là những gốc chè cổ thụ, tuổi đời hàng trăm năm, thân cây 3 người ôm mới xuể, cao ước chừng 8 đến 10m. Anh Hà Minh Hiền, Phó Chủ tịch xã Sín Chải cho biết, đồng bào Mông ở đây gọi những cây chè cổ thụ này là “cây bất tử”. Từ lâu trong tâm thức họ, những cây chè cổ thụ là biểu tượng của sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt và trường tồn cùng thời gian. 

    …Đến thương hiệu chè Shan Tuyết
    Nếu trong huyền thoại, chè Tủa Chùa mang biểu tượng của sức sống mãnh liệt và sự thích nghi với điều kiện khắc nghiệt thì hiện nay nó đang là loại cây kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông vùng cao Tủa Chùa.

    Thăm gia đình ông Hạng A Chư (thôn Hấu Chua), một điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình từ cây chè Shan Tuyết. Khi đại đa số đồng bào trong xã Sín Chải còn rất thụ động và thô sơ trong cách chăm sóc, thu hái chè thì ông Chư đã biết đứng ra thu mua chè, trực tiếp giao dịch và bán lại cho các nhà máy chế biến. Hiện ông có hẳn một xưởng sao chè thủ công ngay tại gia đình. Mỗi vụ, gia đình ông Chư thu hoạch được hơn 3 tạ chè và thu mua của bà con trong vùng khoảng từ 7 đến 8 tạ chè. Với giá chè Shan Tuyết có giá từ 200.000 đến 300.000 đ/kg trên thị trường hiện nay thì mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông Chư cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. 


    Sơ chế búp chè tại các hộ gia đình người Mông ở thôn Hấu Chúa, xã Sín Chải.


    Ông Hạng A Chư, người Mông, thôn Hấu Chua, một điển hình của đồng bào dân tộc Mông trong việc phát triển kinh tế kinh tế gia đình từ cây chè Shan Tuyết. Gia đình ông hiện có hẳn một xưởng sao chè thủ công đặt tại gia đình.


    Hiện tại đã có 4 nhà máy thu mua, chế biến chè trên địa bàn 4 xã quy hoạch vùng chè ở huyện Tủa Chùa.


    Chăm sóc cây chè giống phục vụ cho Dự án "Quy hoạch phát triển vùng chè tại 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa".

    «
              Với tổng số gần 10.000 cây chè hàng trăm năm tuổi hiện có, Tủa Chùa được Viện Nghiên cứu Chè đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với các tỉnh khác trong cả nước. Đây còn là giống chè quý mọc tự nhiên, ít có sự tác động của hóa chất nên nổi tiếng có chất lượng sạch, an toàn cho sức khoẻ.
                                                      »
    Theo anh Hà Minh Hiền, Phó Chủ tịch xã Sín Chải, sở dĩ ông Chư có được sự chủ động trong việc phát triển kinh tế gia đình từ cây chè là nhờ vào các Dự án phát triển cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn của UBND Tỉnh Điện Biên, đặc biệt là chè cổ thụ cây cao. 

    Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, anh Tô Văn Tuân, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt “Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè” tại 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa gồm Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình và Sính Phình giai đoạn 2006 - 2015. Với tổng nguồn vốn đầu tư trên 84 tỷ đồng, theo kế hoạch toàn huyện sẽ có 600ha chè vào năm 2015.

    Chè Tủa Chùa là giống chè quý, mọc tự nhiên, không chịu sự tác động của hóa chất, chất lượng sạch, an toàn. Bởi vậy, đây chính là cơ sở hết sức thuận lợi mà không phải nơi nào cũng có được để làm căn cứ phát triển và xây dựng thương hiệu chè Tủa Chủa trên thị trường.

    Hiện nay, trên địa bàn 4 xã đã quy hoạch vùng chè nói trên đều đã có một nhà máy thu mua và chế biến chè trực tiếp. Sau đó, chè tiếp tục được chuyển về các nhà máy trên huyện để đóng gói và vận chuyển thành phẩm đi tiêu thụ. Ngoài những khóa học tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè, huyện Tủa Chùa còn trợ giá cho mỗi kg chè của đồng bào là 3000 đồng. 

    Với sự quyết tâm của chính quyền và đồng bào Mông trên đất Tủa Chùa, chúng tôi tin rằng cây chè Shan Tuyết, “vàng xanh” của Tủa Chùa sẽ cắm rễ và vươn xa, có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai không xa. Đây cũng chính là cây xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông đã bao đời sống chênh vênh trên vùng cao nguyên đá khắc nghiệt này của tỉnh Điện Biên./.
  • http://vietnam.vnanet.vn/
  • Các tin khác:
    Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên trước kỳ họp thứ Mười và Đại biểu HĐND huyện trước kỳ họp thứ Chín
    Triển vọng mô hình trồng Gai xanh ở xã Lao Xả Phình
    Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển đảng viên
    Tủa Chùa đẩy mạnh đào tạo nghề nông thôn
    Công an huyện nỗ lực thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ
    Huổi Só và nghề trồng bông – dệt thổ cẩm
    Tủa Chùa: Hiệu quả giảm nghèo từ thay đổi cách thức trong hỗ trợ
    Đồng chí Giàng A Páo dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại xã Mường Đun
    Khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2023 trên địa bàn huyện Tủa Chùa
    Tủa Chùa: Quán triệt triển khai Nghị định số 59/2022/NĐ-C
    1571-1580 of 3693<  ...  153  154  155  156  157  158  159  160  161  162  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website