Hiện nay, Châu chấu tre đã xuất hiện trên địa bàn xã Leng Su Sìn - huyện Mường Nhé đang gây hại trên cây họ tre, trúc, khu vực gần nguồn nước sinh hoạt của người dân và có nguy cơ gây hại cây trồng nông nghiệp là rất lớn nếu không phòng trừ kịp thời. UBND huyện Tủa Chùa yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động trong việc theo dõi phòng, chống Châu chấu tre trên địa bàn.
Châu chấu tre lưng vàng
Châu chấu tre là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát khi trưởng thành, chúng có thể tập hợp thành đàn khổng lồ, di cư tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng. Đây là loài gây hại nghiêm trọng đối với cây lâm nghiệp, nông nghiệp nếu không được phòng chống kịp thời.
Đặc điểm hình thái của Châu chấu tre lưng vàng: Trứng hơi cong, màu nâu sẫm, có vỏ vân hình mắt lưới. Châu chấu non giống như con trưởng thành, nhưng không có cánh và thiếu cơ quan sinh sản. Trưởng thành thân dài 30-40 mm toàn thân có màu xanh vàng. Lưng có màu vàng đặc trưng. Râu đầu ngắn hơn cơ thể có hình sợi chỉ; có một đường vàng chạy dọc giữa sống lưng đến cuối cánh. Châu chấu đẻ trứng vào mùa Thu và đầu mùa Đông, đẻ trứng thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau vài ngày. Ngay sau khi đẻ, trứng bắt đầu phát triển phôi và bước vào thời kỳ ngủ đông. Vào mùa xuân trứng hoàn thành phát triển phôi và nở vào cuối mùa Xuân đầu mùa Hè (từ tháng 3 đến tháng 6, khi có nhiệt độ cao và mưa nhiều). Vòng đời châu chấu khoảng 200-210 ngày, con cái sống lâu hơn con đực. Ngay khi hóa trưởng thành được 1-2 tuần Châu chấu bắt đầu giao phối, sau 10-20 ngày bắt đầu đẻ trứng. Giai đoạn trưởng thành khoảng 2-3 tháng tùy vào điều kiện thời tiết. Châu chấu tre lưng vàng là côn trùng ăn cỏ và đa thực, có thể ăn được 25 loại thực vật thuộc 5 họ chủ yếu là tre, lúa, ngô, mía, cọ và rau,… Châu chấu trưởng thành di thực theo đàn, khoảng cách 0,5 - 2 km/ngày. Đàn châu chấu trưởng thành có thể di chuyển xa 40 - 60 km.
Để chủ động phòng, chống kịp thời; ngăn chặn Châu chấu tre bùng phát thành dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến cây trồng nông nghiệp trên địa bàn huyện, UBND huyện Tủa Chùa yêu cầu các cơ quan: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; Hạt kiểm lâm huyện; Trung tâm VH-TT-TH huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình, tác hại, cách nhận biết, quy luật phát sinh, các biện pháp phòng trừ Châu chấu tre để nhân dân chủ động áp dụng; kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn các xã, thị trấn để hướng dẫn điều tra phát hiện và các biện pháp phòng, chống Châu chấu tre kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các vật tư thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống khi phát hiện Châu chấu tre xuất hiện./.