Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, trực tiếp là lực lượng An ninh mạng thuộc Bộ Công an, lực lượng Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng. Để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, Luật An ninh mạng cũng giao Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thứ ba, nhằm phòng, chống tấn công mạng. Luật An ninh mạng là văn bản Luật đầu tiên quy định khái niệm của hoạt động “tấn công mạng”. Theo đó “Tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử”. Đồng thời, quy định các nhóm hành vi cụ thể liên quan tới tấn công mạng tại Điều 17, 18, 19, 20 và Điều 21; quy định cụ thể các nhóm giải pháp cụ thể để phòng, chống tấn công mạng, quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, chủ quản hệ thống thông tin. Như vậy hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước hoạt động tấn công mạng theo quy định của Luật An ninh mạng. Các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được bảo vệ tương xứng với tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước các hành vi tấn công mạng. Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể cơ chế phối hợp phòng, chống tấn công mạng của các bộ, ngành chức năng, xác định trách nhiệm cụ thể của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ trong phòng, chống tấn công mạng.